Từ dí điện thoại quay phim đến ném đá: Người dân cần được bảo vệ

Tin tức pháp luật

Từ dí điện thoại quay phim đến ném đá: Người dân cần được bảo vệ

(PLO)- “Người dân chúng tôi vô cùng bức xúc, yêu cầu Công an TP.HCM xử lý nghiêm, không được có chuyện qua loa rồi cho chìm xuồng ở đây được! Nếu không thì còn ai coi pháp luật ra gì nữa!”.

Vụ việc nhà báo Hàn Ni bị những người lạ dí điện thoại quay phim với những lời lẽ xúc phạm cá nhân rồi động tay động chân khi chị đang đi ăn sáng, hay việc nhà ông Nguyễn Trường Giang (Thám tử Cao) bị ném đá, tạt sơn xảy ra những ngày gần đây làm dư luận xã hội bức xúc, phẫn nộ.

Những vụ việc gây hấn ấy xảy ra ở nhiều nơi, từ TP.HCM đến Hậu Giang, cho thấy mức độ ngang ngược của một số người quá khích đã trở nên đáng báo động. Trật tự xã hội bị lung lay, quyền con người bị đe dọa, an toàn của bản thân mỗi công dân có thể bị xâm phạm bất cứ lúc nào, chỉ vì lên tiếng phản đối “thần tượng” của những kẻ gây rối.

“Người dân chúng tôi vô cùng bức xúc, yêu cầu Công an TP.HCM xử lý nghiêm, không được có chuyện qua loa rồi cho chìm xuồng ở đây được! Nếu không thì còn ai coi pháp luật ra gì nữa!”. Ý kiến bình luận của bạn đọc trên Pháp Luật TP.HCM hẳn cũng là tiếng lòng của nhiều công dân khác khi theo dõi những vụ việc này.

Mỗi người cứ thử đặt mình vào trường hợp của những công dân bị tấn công nêu trên sẽ cảm thấy cuộc sống đang trở nên bất an nhường nào. Họ đã không chỉ bị phỉ báng, nhục mạ khủng khiếp trên mạng xã hội trong một thời gian dài, mà cuộc sống trong đời thực cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi mà bất cứ lúc nào cũng có nguy cơ một đám đông xông tới chĩa máy quay livestream chửi bới hay thậm chí còn động tay động chân với mình.

Nếu một ngày chúng ta đi ra đường mà có thể bị chĩa máy quay phim livestream chửi bới, mỉa mai, bất kể chúng ta đã lên tiếng không đồng ý?

Nếu một ngày chúng ta bị công khai tấn công phỉ báng trên mạng xã hội?

Nếu một ngày ngôi nhà yên ấm của chúng ta bị vây quanh bởi đám đông hiếu kỳ, kích động với những lời lẽ chửi bới xúc phạm hay bị ném đá, tạt sơn?

Thì niềm tin lớn nhất của người dân, xin thử hỏi, là gì ngoài luật pháp và các cơ quan thực thi pháp luật?

Trong một xã hội thượng tôn pháp luật, không có chỗ cho những hành xử phi pháp luật. Và chức năng của bộ máy công quyền là phải đảm bảo cho nguyên tắc vận hành xã hội này được thực thi. Quyền con người phải được bảo vệ, đúng sai phải căn cứ vào pháp luật và do cơ quan chức năng phán xử chứ không phải bằng luật rừng hay sự cuồng loạn của đám đông.

Do đó, những vụ việc xảy ra cần phải được cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra, xác minh, xử lý thật nghiêm theo quy định pháp luật, nếu không trong tương lai những vụ việc tương tự sẽ tiếp tục tái diễn. Và khi đó, cái mất đi chính là sự bình an cuộc sống, là niềm tin của xã hội vào pháp luật, vào sức mạnh bảo vệ con người của bộ máy công quyền.

Không ai có thể chấp nhận thêm nữa những hành xử loạn pháp loạn thiên như thế!

THANH THANH

Back To Top