(PLO)- Tòa xác định quan hệ hôn nhân đầu tiên là hôn nhân thực tế, tuy không đăng ký kết hôn nhưng vẫn được pháp luật công nhận là quan hệ vợ chồng.
TAND Tối cao vừa ban hành quyết định công bố bốn án lệ, trong đó có Án lệ số 53/2022 về việc hủy kết hôn trái pháp luật.
Nguồn án lệ dựa trên quyết định giám đốc thẩm ngày 7-7-2021 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về việc dân sự yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật. Người yêu cầu là bà NTS.
Phúc thẩm nói hợp pháp, sơ thẩm nói không
Theo bà S, bà và ông H chung sống, có tổ chức đám cưới, đã đăng ký kết hôn tại UBND xã (nay là phường) P, TP U, tỉnh Quảng Ninh ngày 23-11-1980 và có ba con chung.
Sau đó, vợ chồng bà sang Hong Kong và được nhập cư tại Canada. Đến năm 2008, vợ chồng bà về Việt Nam sinh sống.
Từ năm 2011, ông H có quan hệ ngoại tình với bà L và vợ chồng bà thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Bà bị ông H đánh đập, đuổi ra khỏi nhà nên đã sang Canada chơi với các con.
Mấy tháng sau, bà trở về thì thấy ông H đã đón bà L cùng con chung của hai người về nhà ở và không cho bà vào nhà, mặc dù bà đã báo chính quyền địa phương.
Nay bà S biết được ông H và bà L đã đăng ký kết hôn theo giấy chứng nhận kết hôn ngày 17-4-2017 do UBND TP M, tỉnh Quảng Ninh cấp. Do đó, bà S yêu cầu TAND tỉnh Quảng Ninh hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa ông H với bà L.
Tại quyết định giải quyết việc dân sự sơ thẩm ngày 2-2-2018, TAND tỉnh Quảng Ninh chấp nhận yêu cầu của bà S, hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa ông H và bà L.
Tòa buộc ông H và bà L phải chấm dứt quan hệ như vợ chồng. Đồng thời, giao con chung của ông H và bà L (sinh năm 2015) cho bà L nuôi dưỡng, ông H không phải cấp dưỡng.
Bà L kháng cáo. Tại phiên họp phúc thẩm, ông H trình bày năm 1980 ông có quen biết bà S nhưng không tổ chức đám cưới hay chung sống với nhau ngày nào khi ở Việt Nam. Năm 1981, khi sang Hong Kong, ông và bà S gặp lại nhau mới trở nên thân thiết, chung sống với nhau.
Mặc dù có con chung nhưng ông bà không đăng ký kết hôn, độc lập kinh tế, tài sản. Do đó, tòa án cấp sơ thẩm xác định giữa ông và bà S là quan hệ hôn nhân thực tế là không có căn cứ.
Theo ông H, quan hệ hôn nhân giữa ông với bà L là hợp pháp vì hai bên có đăng ký kết hôn. Trước khi đăng ký kết hôn, cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xác minh tại nhiều nơi, trong đó có việc xác minh lãnh sự quán Việt Nam tại Canada về việc ông chưa đăng ký kết hôn với bất cứ ai, không đang trong thời kỳ hôn nhân với ai.
Ngày 18-9-2019, TAND Cấp cao tại Hà Nội ban hành quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự, chấp nhận kháng cáo của bà L và sửa quyết định giải quyết việc dân sự sơ thẩm của TAND tỉnh Quảng Ninh, công nhận quan hệ giữa ông H và bà L là quan hệ hôn nhân hợp pháp.
Không đăng ký kết hôn nhưng vẫn được công nhận
Tháng 2-2020, bà S có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Ngày 27-4-2021, Chánh án TAND Tối cao kháng nghị đề nghị hủy quyết định phúc thẩm và giữ nguyên quyết định giải quyết việc dân sự sơ thẩm của TAND tỉnh Quảng Ninh và được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chấp nhận.
Nội dung án lệ: Căn cứ biên bản xác minh ngày 13-11-2014 của UBND phường P và lời khai của những người làm chứng đều thể hiện năm 1980, ông H và bà S có tổ chức đám cưới, chung sống với nhau; sau đó hai ông bà vượt biên.
Tại bản chứng thực bản sao sổ khai sinh của anh PHK, sinh ngày 7-8-1981, thể hiện tên cha là ông H và tên mẹ là bà S. Như vậy, có cơ sở xác định bà S và ông H có thời gian chung sống tại Việt Nam và bà S sang Hong Kong sau khi đã mang thai anh K.
Ngoài ra, bản sao sổ hộ khẩu do Công an TP M cấp ngày 3-11-2014 và hợp đồng thuê quyền sử dụng đất ngày 13-4-2015 tại Phòng Công chứng số 2 tỉnh Quảng Ninh cũng thể hiện ông H có vợ là bà S.
Do đó, có cơ sở xác định quan hệ giữa bà S và ông H sống chung với nhau như vợ chồng trước năm 1987 là hôn nhân thực tế, tuy không đăng ký kết hôn nhưng vẫn được pháp luật công nhận là quan hệ vợ chồng.
Việc ông H đăng ký kết hôn với bà L trong khi đang tồn tại quan hệ hôn nhân với bà S là vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng và quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
UBND TP M (Quảng Ninh) thực hiện việc đăng ký kết hôn cho ông H và bà L là không đúng quy định của pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa ông H, bà L và giải quyết hậu quả của việc kết hôn trái pháp luật là có căn cứ.•
Phía UBND TP M khẳng định thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký kết hôn và cấp giấy chứng nhận kết hôn cho bà L và ông H là đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Nay bà S có đơn khởi kiện yêu cầu tuyên hủy việc kết hôn giữa bà L và ông H, cho là trái pháp luật; nếu có căn cứ thì đề nghị TAND tỉnh Quảng Ninh giải quyết việc dân sự nêu trên theo quy định pháp luật.
CHÂU YẾN