Phòng, chống bạo lực gia đình: Nạn nhân cần lên tiếng!

Tin tức pháp luật

Phòng, chống bạo lực gia đình: Nạn nhân cần lên tiếng!

(PLO)- Các chế tài để xử lý người gây ra bạo lực gia đình và cách thức bảo vệ nạn nhân đã có đầy đủ, vấn đề còn lại là hơn ai hết, chính nạn nhân phải lên tiếng để tự cứu mình.

Từ ngày 1-7 tới, ngoài các nơi tiếp nhận tin báo về bạo lực gia đình như lâu nay thì sẽ có thêm một địa chỉ mới là tổng đài quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình. Hy vọng đến lúc đó, các nạn nhân sẽ không im lặng chịu đựng nữa mà chọn cách lên tiếng.

Trong công việc của mình, tôi từng chứng kiến nhiều trường hợp vợ bị chồng đánh nhưng không dám lên tiếng vì nói ra sẽ “xấu chàng hổ ai”, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, lỡ chồng đi tù thì lý lịch của con cũng bị ảnh hưởng xấu… Họ cam chịu hết lần này đến lần khác. Chính sự im lặng của họ lại góp phần làm thỏa mãn bản tính bạo lực, hung hăng của đối tượng (chủ yếu là người chồng), khiến các trận bạo hành dày lên theo thời gian, đến khi sự việc được phát hiện thì đã ở mức nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Chị G với chằng chịt vết thương do chồng bạo hành dù đang mang bầu 7 tháng. Ảnh: AH

Gần như tất cả phụ nữ (90,4%) bị chồng bạo lực đã không tìm đến sự giúp đỡ từ các cơ quan chính quyền. Một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai… Những con số đáng buồn đó được đưa ra trong báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019.

Một trong những biện pháp khá mạnh mẽ để bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình là chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định cấm tiếp xúc. Hiện nay, Điều 20 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 nêu rõ một trong những điều kiện để chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định cấm tiếp xúc là bắt buộc phải có đơn yêu cầu của nạn nhân bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp. Trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu thì phải có sự đồng ý của nạn nhân.

Đến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 (có hiệu lực từ ngày 1-7 tới đây) thì chủ tịch UBND cấp xã vẫn được quyền ra quyết định cấm tiếp xúc nếu “hành vi bạo lực gia đình đe dọa tính mạng của người bị bạo lực gia đình”, không cần nạn nhân đề nghị. Tuy nhiên, sau đó nếu nạn nhân không đồng ý với quyết định cấm tiếp xúc này thì chủ tịch UBND cấp xã cũng phải hủy bỏ quyết định.

Trong dự thảo nghị định mới nhất hướng dẫn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 cũng đã hướng tới việc xem xét xử lý hình sự người có hành vi bạo lực gia đình theo Điều 134 BLHS về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Cụ thể, người có hành vi bạo lực gia đình đã bị cấm tiếp xúc hai lần liên tiếp mà vẫn tiếp tục có hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại đến sức khỏe hoặc đe dọa tổn hại đến sức khỏe, tính mạng thì chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình đề nghị cơ quan điều tra xem xét xử lý theo quy định tại Điều 134 BLHS.

Tuy nhiên, theo Điều 155 BLTTHS 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 thì để khởi tố vụ án hình sự theo khoản 1 Điều 134 BLHS bắt buộc phải có yêu cầu của bị hại (hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết).

Như vậy, gần như các biện pháp, chế tài mạnh đang áp dụng hiện nay và có thể sẽ áp dụng trong tương lai nhằm bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình đều vẫn phải dựa trên nguyên tắc là tôn trọng ý chí của nạn nhân, dựa trên ý chí của nạn nhân thì người có thẩm quyền mới can thiệp.

Một tổng đài quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình cũng đang được xây dựng nhằm tiếp nhận những tố giác của nạn nhân. Đây là điểm mới của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022. Dự thảo nghị định hướng dẫn luật này đưa ra phương án xây dựng số tổng đài ngắn gọn chỉ gồm ba số cho dễ nhớ, nêu rõ nhiệm vụ của tổng đài, quy trình tiếp nhận thông tin, yêu cầu bảo mật thông tin… Như vậy, kể từ ngày 1-7 tới đây, ngoài những nơi tiếp nhận tin báo về bạo lực gia đình như lâu nay thì có thêm địa chỉ thuận tiện cho nạn nhân mạnh dạn tố giác là tổng đài quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình.

Hy vọng trong tương lai gần, khi có tổng đài quốc gia thì các nạn nhân của bạo lực gia đình sẽ lựa chọn cách để lên tiếng, không còn im lặng nữa. Các nạn nhân cần nhận thức rõ rằng không ai có quyền được bạo hành mình, kể cả người đó là người thân. Bởi Điều 20 Hiến pháp đã quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm.

Các chế tài để xử lý người gây ra bạo lực gia đình và cách thức bảo vệ nạn nhân đã có đầy đủ. Vấn đề còn lại là hơn ai hết, chính nạn nhân phải lên tiếng để tự cứu mình.

THANH MẬN

Back To Top