TP.HCM: Nguyên nhân hơn 200 bản án, quyết định bị hủy, sửa

Tin tức pháp luật

TP.HCM: Nguyên nhân hơn 200 bản án, quyết định bị hủy, sửa

(PLO)- Năm 2022, hơn 200 bản án, quyết định về các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại… bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán.

Tại hội nghị triển khai công tác năm 2023 của TAND hai cấp TP.HCM hôm 27-12, báo cáo của phòng kiểm tra nghiệp vụ và thi hành án cho thấy năm 2022, TAND hai cấp TP.HCM đã có trên 200 bản án, quyết định bị hủy, sửa.

Ba nhóm nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nêu trên là sai sót về thủ tục tố tụng, thu thập và đánh giá chứng cứ; sai sót về việc áp dụng pháp luật và đường lối giải quyết vụ án; sai sót về án phí.

Sai sót về thủ tục tố tụng, thu thập và đánh giá chứng cứ

Các sai sót về thủ tục tố tụng, thu thập và đánh giá chứng cứ có thể kể đến như thiếu người tham gia tố tụng, xác định sai tư cách tố tụng của đương sự…

Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong phát biểu tại hội nghị triển khai công tác năm 2023 của TAND hai cấp Thành phố. Ảnh: MC

Ví dụ: Tòa án triệu tập thiếu người tham gia tố tụng đa số là đương sự tham gia với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nhất là các tranh chấp liên quan đến nhà đất có nhiều người cư trú) dẫn đến thu thập chứng cứ chưa đầy đủ.

Đương sự trong vụ án tranh chấp tài sản thừa kế chết trước khi tòa thụ lý vụ án, tòa án cấp sơ thẩm đưa người thừa kế hàng thứ nhất vào tham gia với tư cách người thừa kế nghĩa vụ tố tụng là không đúng mà phải đưa những người này tham gia với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Người yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu phải là công chứng viên đã thực hiện việc công chứng, chứ không phải là tổ chức hành nghề công chứng theo Điều 398 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 và Điều 52 Luật Công chứng 2014.

Nguyên đơn có người đại diện theo ủy quyền nhưng tòa án cấp sơ thẩm tống đạt triệu tập cho người ủy quyền, người ủy quyền hai lần không đến tòa theo giấy triệu tập. Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS 2015 là không đúng.

Bị đơn có đơn phản tố trước khi nguyên đơn rút yêu cầu khởi kiện, tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng quy định tại Điều 191 BLTTDS 2015…

Sai sót về việc áp dụng pháp luật và đường lối giải quyết vụ án

Một nguyên nhân khác dẫn đến bản án, quyết định bị hủy, sửa là sai sót về việc áp dụng pháp luật và đường lối giải quyết vụ án.

Về tranh chấp dân sự, các sai sót trong việc áp dụng pháp luật có thể kể đến là xác định thời hạn chuyển nợ quá hạn không đúng; áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời (phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ) đối với tài sản đang thế chấp ngân hàng không đúng với quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị quyết 02/2020 ngày 24-9-2020 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Ngoài ra, tòa án cấp sơ thẩm cho rằng trong hợp đồng ủy quyền, các đương sự không thỏa thuận người được ủy quyền phải có nghĩa vụ giao lại tài sản đã nhận và lợi ích thu được khi thực hiện việc ủy quyền mà tuyên chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là không đúng với quy định tại khoản 5 Điều 584 BLDS 2005 (khoản 5 Điều 565 BLDS 2015)…

Còn sai sót trong các vụ án hành chính là không xem xét quyết định hành chính liên quan.

Riêng với các vụ án hình sự, sai sót dễ thấy là xác định tội danh chưa chính xác. Ví dụ: Bị cáo dùng xăng tạt vào người bị hại rồi châm lửa đốt, bị hại bị cháy phỏng 28% vĩnh viễn do được cấp cưới kịp thời nhưng tòa án sơ thẩm lại tuyên bị cáo tội cố ý gây thương tích.

Cành đó là sai sót trong việc bỏ lọt người, lọt tội…

Sai sót về án phí

Các sai sót về án phí gồm nhầm lẫn hiệu văn bản pháp luật liên quan án phí, lệ phí khi tòa án cấp sơ thẩm áp dụng.

Ví dụ: Tại thời điểm năm 2022, tòa án cấp sơ thẩm áp dụng Nghị quyết 326 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuyên đương sự chịu án phí đối với yêu cầu không được tòa án chấp nhận (yêu cầu này được thụ lý năm 2013) là sai quy định của Nghị quyết 01/2012 ngày 13-6-2012 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Trường hợp này, lẽ ra phải áp dụng Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án năm 2009.

Cạnh đó, xác định loại vụ án sai dẫn đến tuyên án phí sai.

Ví dụ: Tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ hình thành trong tương lai có nguyên đơn, bị đơn là tổ chức có đăng kí kinh doanh và đều có mục đích lợi nhuận thì theo quy định tại khoản 1 Điều 30 BLTTDS 2015 đây là tranh chấp về kinh doanh thương mại nhưng tòa án cấp sơ thẩm lại thụ lý, xác định tranh chấp về dân sự nên đã tính án phí sai.

Ngoài ra còn có các sai sót như xác định đối tượng thuộc trường hợp miễn tạm ứng án phí, án phí sai; nhầm lẫn trong cách vận dụng pháp luật tính án phí có giá ngạch hay không có giá ngạch đối với quan hệ pháp luật tranh chấp…

MINH CHUNG

Back To Top