(PLO)- VKSND Tối cao nhận định cần tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai.
VKSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 36 bị can trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị có liên quan.
Theo cáo buộc, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn thành lập Công ty AIC, lợi dụng mối quan hệ với ông Trần Đình Thành (cựu bí thư Tỉnh ủy) để nhờ ông này giới thiệu, tạo điều kiện cho AIC tham gia dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai.
Bà Nhàn chỉ đạo thuộc cấp thông đồng, móc ngoặc với chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, thiết lập “quân xanh”… để liên tiếp trúng 16 gói thầu với trị giá hơn 665 tỉ đồng, gây thiệt hại hơn 152 tỉ đồng.
Chủ tịch AIC còn trực tiếp hoặc chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ 43,8 tỉ đồng cho ông Trần Đình Thành, cựu chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái và cựu giám đốc bệnh viện, cựu giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ.
Đáng chú ý, ngoài các bị can bị truy tố, VKSND Tối cao cũng đề cập đến trách nhiệm liên quan của nhiều cá nhân thuộc UBND và một số sở ngành tỉnh Đồng Nai.
Trong đó, VKS xác định tại tờ trình số 1052 ngày 21-10-2013 và tài liệu kèm theo của Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai thể hiện danh mục thiết bị y tế chuyên môn trị giá hơn 609 tỉ đồng, nhưng tại tờ trình số 3082 ngày 10-12-2013 của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Cao Tiến Dũng (nguyên phó giám đốc Sở) đề xuất phê duyệt điều chỉnh dự án, trong đó xác định danh mục thiết bị y tế chuyên môn trị giá là hơn 754 tỉ đồng.
Theo đề xuất nêu trên của ông Dũng, bà Phan Thị Mỹ Thanh (nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh) ký quyết định số 4277 phê duyệt điều chỉnh dự án, trong đó quyết định danh mục thiết bị y tế chuyên môn trị giá hơn 754 tỉ đồng.
Như vậy, việc ông Dũng đề xuất và bà Thanh phê duyệt điều chỉnh giá trị thiết bị y tế chuyên môn là không có căn cứ.
Tuy nhiên, do kết quả điều tra chưa có căn cứ kết luận hành vi của ông Dũng, bà Thanh dẫn đến hậu quả thiệt hại của vụ án nên VKS cho rằng cần phải tách ra để tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý sau.
Ngoài ra, đối với các cá nhân thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng UBND tỉnh Đồng Nai là những người trực tiếp thẩm định và đề xuất trình lãnh đạo Sở hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, phê duyệt điều chỉnh dự án, trong đó có phần đầu tư thiết bị y tế chuyên môn trị giá hơn 754 tỉ đồng nhưng chưa lập danh mục thiết bị hoặc danh mục thiết bị chưa được thẩm định giá hoặc đề xuất không có căn cứ về việc đầu tư thiết bị y tế.
Các hành vi nêu trên đã vi phạm pháp luật. Dù vậy, kết quả điều tra chưa có căn cứ kết luận hành vi vi phạm dẫn đến hậu quả thiệt hại của vụ án nên cần thiết phải tách ra để tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý sau.
Vẫn theo VKS, năm 2015, một số lãnh đạo, chuyên viên Sở Tài chính Đồng Nai thực hiện việc thẩm định các thiết bị y tế phát sinh ngoài hợp đồng thuộc gói thầu số 7 và 67. Các chuyên viên không thực hiện việc khảo sát thực tế, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần thẩm định giá mà căn cứ vào giá trị do chủ đầu tư báo cáo để trình Hội đồng thẩm định giá nhà nước tỉnh Đồng Nai.
Hội đồng thẩm định giá xác định tổng giá trị gói thiết bị y tế phát sinh của gói thầu số 07 và 67 là hơn 4,6 tỉ đồng để thanh toán cho nhà thầu.
Tuy nhiên, kết quả điều tra chưa có căn cứ xác định việc thẩm định giá của các cá nhân nêu trên gây thiệt hại về tài sản nên cần thiết phải tách ra để tiếp tục điều tra, làm rõ, xử lý sau.
Một nội dung khác được đề cập, đó là việc các Bộ, ngành phân bổ vốn Ngân sách Trung ương cho dự án xây dựng bệnh viện đa khoa Đồng Nai vượt mức quy định. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tách ra thành vụ riêng để điều tra xử lý trong giai đoạn sau.
VKSND Tối cao nhấn mạnh, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận và xã hội quan tâm; một số bị can, đặc biệt là các bị can đầu vụ đã bỏ trốn, gây khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
TUYẾN PHAN