(PLO)- Tại CQĐT, bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã khai về đường đi của số tiền hơn 304.000 tỉ đồng mà bị can này bị cáo buộc tham ô, chiếm đoạt.
Theo Kết luận điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố 3 tội: tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và đưa hối lộ.
10 năm giải ngân hơn 1 triệu tỉ đồng
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc đã cố tình thực hiện hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật để “rút ruột” Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) sử dụng vào mục đích riêng.
Số tiền liên quan trong vụ án là rất lớn. Trong 10 năm (2012-2022), SCB đã giải ngân cho các pháp nhân, cá nhân thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát số tiền hơn 1 triệu tỉ đồng.
Tại thời điểm khởi tố vụ án, dư nợ gốc còn lại là 483.000 tỉ đồng. Trừ đi giá trị tài sản bảo đảm, bà Trương Mỹ Lan bị xác định đã chiếm đoạt 304.000 tỉ đồng, gây thiệt hại hơn 129.000 tỉ đồng ở hành vi tham ô tài sản, gây thiệt 64.000 tỉ đồng ở hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng.
CQĐT làm rõ bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo các cá nhân ở SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lập pháp nhân ma, tạo dựng hồ sơ vay khống. Sau khi SCB giải ngân thì chuyển tiền lòng vòng qua các tài khoản để sử dụng, một phần rút tiền mặt để ‘cắt đứt dòng tiền’.
Ông Bùi Văn Dũng, lái xe của bà Trương Mỹ Lan, là người giúp vận chuyển tiền mặt rút từ SCB về trụ sở Vạn Thịnh Phát hoặc nhà riêng của bà Lan theo chỉ đạo. Cuốn sổ tay ghi chép của người lái xe cho thấy trong thời gian từ tháng 2-2019 đến tháng 9-2022, ông ta đã vận chuyển 108.000 tỉ đồng và 14,7 triệu USD tiền mặt.
Đường đi của số tiền khủng
Kết quả điều tra xác định, số tiền SCB giải ngân theo hồ sơ vay khống đã được chuyển qua tài khoản của 483 cá nhân và 450 pháp nhân (F1 nhận tiền).
Dòng tiền từ 1.284 khoản vay với 483.000 tỉ đồng dư nợ gốc của nhóm Trương Mỹ Lan-Vạn Thịnh Phát được CQĐT xác định đã sử dụng vào nhiều mục đích.
Trong đó, có hơn 57.000 tỉ đồng trả nợ nợ khoản vay cũ tại SCB, chuyển khoản nội bộ SCB là 5.275 tỉ đồng, chuyển khoản ra bên ngoài là hơn 381.000 tỉ đồng. Tổng số tiền rút tiền mặt là hơn 81.000 tỉ đồng.
Riêng số tiền 108.000 tỉ đồng do lái xe Bùi Văn Dũng vận chuyển, ông này khai một số lần vận chuyển tiền về nhà riêng của bà Trương Mỹ Lan tại Tòa nhà Sherwood số 127 Pasteur (TP.HCM).
Tiền được giao tiền cho bà Trần Thị Hoàng Uyên (trợ lý của bà Lan) để bà Uyên tiếp tục giao cho những người khác. Tuy nhiên, bà Uyên không lưu giữ ghi chép về người nhận tiền.
Một số lần khác, ông Dũng vận chuyển tiền về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, số 193-203 Trần Hưng Đạo (TP.HCM) hoặc giao tiền cho một số cá nhân theo chỉ đạo của bà Lan.
Ông Bùi Văn Dũng và bà Trần Thị Hoàng Uyên đều bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tại CQĐT, bà Trương Mỹ Lan khai nhận, tiền giải ngân được sử dụng vào việc trả nợ gốc, lãi của các khoản vay trước; trả nợ bà Lan đã vay của bạn bè, người thân; trả các khoản chi phí hoạt động của SCB mà không thể hạch toán được.
Tiền còn được dùng để mua lại các dự án, thường là các dự án bà Trương Mỹ Lan mượn để thế chấp ngân hàng, sau đó mua lại.
Ngoài ra, tiền còn được dùng để trả lãi trái phiếu, chi phí tiền định giá tài sản, công chứng tài sản, chi trả tiền công cho những người đứng tên hộ các khoản vay, đứng tên tài sản và chi vào nhiều mục đích khác.
Theo kết quả điều tra, bà Trương Mỹ Lan còn chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhận chuyển, nhận tiền ra nước ngoài.
Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với 1.000 pháp nhân, có mạng lưới công ty tại nước ngoài.
Bà Trương Mỹ Lan xây dựng nhiều công ty vỏ bọc tại các vùng lãnh thổ, quốc gia “thiên đường thuế’’, sử dụng danh nghĩa nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhưng thực chất có nhiệm vụ quản lý nguồn vốn, tài sản của gia đình bà Lan tại nước ngoài.
Theo kết luận, CQĐT đã tách vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành trái phiếu và rửa tiền để tiếp tục điều tra, xử lý và thu hồi triệt để tài sản để khắc phục hậu quả cho vụ án.
BÙI TRANG