(PLO)- Cựu bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chủ tịch Việt Á Phan Quốc Việt cùng 10 bị cáo khác kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và hưởng án treo.
TAND TP Hà Nội vừa có thông báo về việc 12 bị cáo, ba cá nhân và một doanh nghiệp kháng cáo bản án sơ thẩm ngày 12-1-2024 của TAND TP Hà Nội trong vụ án xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á và các đơn vị liên quan.
Mẹ và vợ Phan Quốc Việt kháng cáo về hơn 50 sổ tiết kiệm
Các bị cáo kháng cáo đề nghị tòa phúc thẩm đánh giá động cơ, mục đích, tính chất, mức độ hành vi, hoàn cảnh, nhân thân… để xem xét giảm nhẹ hình phạt hoặc cho hưởng án treo.
Các bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt có Phan Quốc Việt (chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty Việt Á), Nguyễn Thanh Long (cựu bộ trưởng Bộ Y tế), Trịnh Thanh Hùng (cựu vụ phó Bộ KH&CN), Phạm Duy Tuyến (cựu giám đốc CDC Hải Dương), Nguyễn Nam Liên (cựu vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế), Nguyễn Thị Thúy (giám đốc dự án, Công ty VNDAT), Trần Thanh Phong (cựu phó phòng CDC tỉnh Bình Dương), Nguyễn Trường Giang (giám đốc Công ty VNDAT).
Các bị cáo Ngụy Thị Hậu, Trần Thị Hồng, Lê Thị Hồng Xuyên xin hưởng án treo.
Nhận mức án 15 năm tù, ông Vũ Đình Hiệp (phó tổng giám đốc Công ty Việt Á) đề nghị xem xét lại bản chất của vụ án và tội danh đối với bị cáo.
Trước đó, bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Phan Quốc Việt 29 năm tù về hai tội vi phạm quy định đấu thầu và đưa hối lộ. Ở tội nhận hối lộ, bị cáo Nguyễn Thanh Long bị xử phạt 18 năm tù, Phạm Duy Tuyến 13 năm tù, Trịnh Thanh Hùng 14 năm tù, Nguyễn Nam Liên bảy năm tù…
Ngoài ra, một số người liên quan cũng có đơn kháng cáo. Trong đó, bà Đàm Thị Trinh (mẹ bị cáo Phan Quốc Việt) đề nghị hủy bỏ việc kê biên, phong tỏa 52 sổ, thẻ tiết kiệm đứng tên bà với tổng số tiền là 412 tỉ đồng tại các ngân hàng VIB, BacABank, DongABank và VietinBank.
Tổng số tiền Phan Quốc Việt đưa hối lộ là hơn 106 tỉ đồng. Các bị cáo gây thiệt hại hơn 1.235 tỉ đồng, trong đó thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 431 tỉ đồng.
Bà Hồ Thị Thanh Thủy (vợ bị cáo Phan Quốc Việt) đề nghị hủy bỏ việc kê biên, phong tỏa hai sổ, thẻ tiết kiệm đứng tên hai con của bà và bị cáo Phan Quốc Việt với tổng số tiền 20 tỉ đồng tại Ngân hàng ACB.
Bà Nguyễn Kiều Oanh (vợ bị cáo Trịnh Thanh Hùng) kháng cáo đề nghị hủy bỏ việc phong tỏa tám sổ tiết kiệm với tổng số tiền gần 4 tỉ đồng, trả lại cho bà và bị cáo Hùng.
Còn Công ty Việt Á kháng cáo đề nghị không tịch thu sung công quỹ nhà nước số tiền được xác định là hưởng lợi bất chính từ việc bán test xét nghiệm cho các tổ chức, cá nhân không bị xem xét khởi tố trong vụ án này…
Đưa hối lộ hơn 106 tỉ đồng
Theo nội dung vụ án, lợi dụng chủ trương của Nhà nước về việc giao các đơn vị chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch, Phan Quốc Việt đã thông đồng, câu kết với các bị cáo ở Bộ Y tế, Bộ KH&CN, Văn phòng Chính phủ biến test xét nghiệm từ sản phẩm thuộc sở hữu của Nhà nước thành sản phẩm của Việt Á.
Khi bán sản phẩm test xét nghiệm, bị cáo Việt cũng câu kết với các bị cáo thuộc Bộ Y tế để được hiệp thương theo giá đã nâng khống, chậm kiểm tra giá hiệp thương để tạo mặt bằng giá test xét nghiệm, thu lời bất chính.
Khi tiêu thụ kit test Việt Á tại nhiều địa phương, Phan Quốc Việt cùng cấp dưới đã thông đồng, câu kết với lãnh đạo, nhân viên các cơ sở y tế công lập thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật về đấu thầu. Cụ thể như ứng hàng sử dụng trước, hợp thức hóa thủ tục, hồ sơ thanh toán sau theo đơn giá mà Công ty Việt Á đưa ra trái quy định.
Trong quá trình này, bị cáo Phan Quốc Việt đã thỏa thuận ăn chia, đưa tiền hối lộ, tiền cảm ơn nhiều lần với tổng số tiền 3,45 triệu USD và 4 tỉ đồng. Đồng thời, Phan Quốc Việt chỉ đạo nhân viên tính toán và chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng; trực tiếp chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ hơn 34 tỉ đồng cho nhiều lãnh đạo, nhân viên tại các cơ sở y tế công lập trên phạm vi cả nước.
Tổng số tiền Phan Quốc Việt đưa hối lộ là hơn 106 tỉ đồng. Hành vi của Phan Quốc Việt bị xác định buộc gây thiệt hại hơn 1.235 tỉ đồng, trong đó thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 431 tỉ đồng.
Cựu giám đốc CDC Bình Dương được miễn trách nhiệm hình sự
Từ ngày 3 đến 12-1, TAND TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm và tuyên án đối với 38 bị cáo trong vụ án. Trong đó có hai bị cáo được tòa sơ thẩm tuyên mức án bằng thời gian tạm giam là Nguyễn Văn Định (cựu giám đốc CDC tỉnh Nghệ An) và Nguyễn Thị Hồng Thắm (cựu kế toán trưởng CDC tỉnh Nghệ An) cùng mức án hai năm 12 ngày tù.
Riêng ông Nguyễn Thành Danh (cựu giám đốc CDC Bình Dương) là người nhiều lần từ chối nhận tiền của Việt Á được HĐXX quyết định miễn trách nhiệm hình sự.
BÙI TRANG