Bác sỹ lái ôtô điên có thể bị phạt 15 năm tù

Tin tức hoạt động

Bác sỹ lái ôtô điên có thể bị phạt 15 năm tù

Liên quan đến vụ “Ô tô điên gây tai nạn kinh hoàng” trên đường Lý Thái Tổ (quận 10 – TPHCM) vào chiều 7-10, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao đổi với luật sư Nguyễn Định Tường thuộc Đoàn Luật sư TPHCM về vấn đề này.

* Phóng viên: Thưa luật sư, trong vụ tai nạn trên, người gây tai nạn (cụ thể là bác sĩ Trần Anh Huy, SN 1969, công tác tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 – TPHCM) vi phạm điều, khoản nào trong Bộ luật hình sự và mức án ra sao?

Luật sư Nguyễn Định Tường: Quan điểm của luật sư bảo vệ phía người bị nạn, bác sĩ Huy lái xe gây tại nạn làm chết 2 người, bị thương nhiều người, gây thiệt hại nhiều tài sản vào chiều 7-10, thể hiện hành vi phạm tội rất nghiêm trọng. Tại điều 8 Bộ Luật hình sự đã được sửa đổi bổ sung năm 2009, nêu: “Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 15 năm tù”. Như vậy, bác sĩ Huy điều khiển phương tiện giao thông gây hậu quả rất nghiệm trọng, vi phạm Bộ Luật hình sự đã được sửa đổi bổ sung năm 2009 theo mục b, c, đ thuộc khoản 2 và khoản 3.

Tại điều 202 về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, phạm tội  thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3-10 năm: 1- Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng (b). 2- Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn (c). 3- Gây hậu quả rất nghiêm trọng (đ).
Nếu phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

* Nếu sau khi gây ra tai nạn, tài xế cố tình bỏ chạy khỏi hiện trường thì tình tiết này tăng nặng như thế nào?
– Nếu tài xế cố tình bỏ chạy khỏi hiện trường thì tình tiết tăng nặng rơi vào khoản 2 điều 202 nêu trên.

 

* Nếu cho rằng ôtô vận hành theo hộp số tự động để từ đó giảm nhẹ tội, luật xử lý như thế nào?
– Đối với các tội phạm vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ khi thực hiện do vô ý đều là tội phạm cấu thành vật chất, tức là phải có hậu quả xảy ra thì mới cấu thành tội phạm, như vậy nên nêu lý do vận hành theo hộp số tự động, dẫn đến người điều khiển lúng túng là nhằm trốn tránh hành vi phạm tội của mình đã gây ra.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, nếu xét thấy tài xế có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điều 46 thì tòa án sẽ xem xét giải quyết giảm nhẹ hình phạt. Những quan điểm, lập luận cho rằng xe vận hành theo hộp số tự động dẫn đến tài xế lúng túng là không đúng.

 

* Các thiệt hại về nhân mạng, tài sản sẽ được bồi thường ra sao, ai bồi thường?
– Đây là trường hợp bồi thường dân sự trong vụ án hình sự. Tài xế, chủ xe, công ty bảo hiểm (nếu có đăng ký bảo hiểm) liên đới chịu trách nhiệm từng phần của từng chủ thể là phải bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại đã chết, người bị thương tật cần giám định tỉ lệ thương tật và kể cả tài sản là những chiếc xe đã bị hư hại, bốc cháy.

Các nạn nhân được chuyển vào bệnh viện 115 phần lớn bị gãy chân, chấn thương vai, cột sống.

 

Những người bị hại phải yêu cầu cơ quan tố tụng giải quyết để được bồi thường theo Luật dân sự về việc “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Nội dung bồi thường này gồm rất nhiều yếu tố, được bồi thường theo quy định tại điều 608, 609 và 610 Bộ luật dân sự.

 

* Trong trường hợp này, nếu người gây tai nạn được đơn vị nơi làm việc bảo lĩnh tại ngoại, vậy có đúng luật không khi hậu quả được cho là nghiêm trọng?
– Do đây là vụ án “tai nạn giao thông” vì vậy người gây tai nạn, chủ xe cần phải khắc phục giải quyết các hậu quả ngay cho người bị hại. Theo quy định tại điều 92 của Bộ Luật tố tụng hình sự về “Bảo lĩnh”, nêu:
1/ Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà nhân thân của bị can, bị cáo. Cơ quan điều tra, viện KSND, tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh.
2/ Cá nhân có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo  là người thân thích của họ. Trong trường hợp này phải có ít nhất 2 người. Tổ chức có thể nhận bảo lĩnh cho bị can, bị cáo  là thành viên của tổ chức của mình. Khi nhận bảo lĩnh, cá nhân hoặc tổ chức phải làm giấy cam đoan không để bị can, bị cáo tiếp tục phạm tội và bảo đảm sự có mặt của bị can, bị cáo theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra, viện KSND hoặc tòa án. Khi làm giấy cam đoan, cá nhân hoặc tổ chức nhận bảo lĩnh được thông báo về những tình tiết của vụ án có liên quan đến việc nhận bảo lĩnh….
Ở điều 93 về việc “Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm”, cũng quy định: 1/ Đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn để thay thế biện pháp tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân tình trạng tài sản của BCBC cơ quan điều tra, viện KSND, tòa án có thể quyết định cho họ đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập.

TÂN TIẾN thực hiện

 

Bài viết đăng trên Báo Người Lao Động ngày 10/10/2011.

Back To Top