Bàn về quy định ghi âm, ghi hình tại tòa phải xin phép

Tin tức pháp luật

Bàn về quy định ghi âm, ghi hình tại tòa phải xin phép

Tôn trọng và bảo vệ quyền về lời nói, hình ảnh của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác không được xâm phạm nguyên tắc hiến định “TAND xét xử công khai”.

LTS: Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của người tham gia tố tụng và chủ tọa phiên tòa… được xem là quy định tiến bộ, phù hợp với các quyền về hình ảnh, sự riêng tư. Tuy nhiên, việc xét xử là công khai, trừ một số trường hợp. Vậy giới hạn của việc công khai, hình thức công khai ra sao; quyền tác nghiệp của báo chí được thực hiện thế nào?

Pháp Luật TP.HCM giới thiệu các ý kiến đóng góp để đảm bảo quy phạm pháp luật khi đi vào thực tiễn nhận được sự đồng thuận cao.

***

Khoản 4 Điều 141 dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi quy định: “Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ và chủ tọa phiên tòa, phiên họp”.

Tôi cho rằng cần cân nhắc thấu đáo quy định này bởi một số khía cạnh sau đây:

Quyền của cá nhân trong mối tương quan với lợi ích công cộng

Tôn trọng và bảo vệ quyền về lời nói, hình ảnh của người tham gia tố tụng cần được đặt trong mối tương quan với lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

ghi âm ghi hình bị cáo
Báo chí tác nghiệp ở một phiên tòa hình sự tại TAND TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Thể chế hóa tinh thần Hiến pháp năm 2013, khoản 2 Điều 32 BLDS năm 2015 quy định: “Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”.

Như vậy, hình ảnh của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa, phiên họp do TAND tiến hành có thể thuộc cả hai trường hợp nêu trên. Vấn đề đặt ra là cơ chế thực thi.

Tôn trọng và bảo vệ quyền về lời nói, hình ảnh của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác không được xâm phạm nguyên tắc TAND xét xử công khai được hiến định tại khoản 3 Điều 103 Hiến pháp năm 2013: “TAND xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, TAND có thể xét xử kín”.

Tiếp cận có điều kiện

Xét xử công khai thì tất yếu nội dung xét hỏi, tranh luận của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được công bố. Để thực hiện nguyên tắc này, tất yếu, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của các cơ quan truyền thông đại chúng.

Đứng từ góc độ tác nghiệp báo chí, nếu không cho ghi âm thì sẽ ảnh hưởng lớn đến việc đưa tin của nhà báo. Diễn biến phức tạp, lượng thông tin lớn trong quá trình xét hỏi, tranh luận tại tòa sẽ khiến nhà báo khó chuyển tải đầy đủ, chính xác nếu họ không được ghi âm để sau đó rã băng lấy tư liệu đưa tin, viết bài. Từ đó, mọi công dân có thể tiếp cận thông tin về hoạt động của TAND nói chung, hoạt động xét xử nói riêng.

Mặt khác, xét về thẩm quyền, lời nói và hình ảnh cá nhân của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác có thể là những thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà công dân được tiếp cận có điều kiện.

Theo khoản 3 Điều 7 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người đứng đầu cơ quan nhà nước quyết định việc cung cấp thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan mà không cần có sự đồng ý của đương sự có liên quan. Đối chiếu với dự thảo, thẩm quyền cho phép ghi âm, ghi hình không thuộc về chủ tọa phiên tòa, phiên họp nếu họ không phải là chánh án TAND.

Quyền đối với hình ảnh được luật bảo vệ

Cần có sự phân biệt giữa quyền đối với lời nói với quyền đối với hình ảnh của cá nhân. Việc BLDS năm 2015 xác định quyền đối với hình ảnh là một trong các quyền nhân thân được luật bảo vệ đã gián tiếp khẳng định tính ưu trội của cơ chế bảo vệ của quyền này so với quyền đối với lời nói.

Bởi hình ảnh vốn được chứng minh là phương thức truyền thông có tính minh họa cao; do đó người ta sẽ thẩm thấu trực tiếp, nhanh chóng và hiệu quả hơn so với việc dùng lời nói. Bên cạnh đó, từ góc độ tâm lý xã hội, hình ảnh cá nhân tại tòa án có thể được coi là hết sức nhạy cảm. Đặc biệt ở nước ta, quan niệm “vô phúc đáo tụng” vẫn còn phổ biến.

Kinh nghiệm quốc tế ở những quốc gia trong đó có Mỹ cũng cho thấy điều này. Năm 1972, Hội nghị Tư pháp Mỹ đã thông qua lệnh cấm “phát sóng, truyền hình, ghi âm hoặc chụp ảnh trong phòng xử án và các khu vực liền kề với phòng xử án”. Lệnh cấm có trong Bộ quy tắc ứng xử dành cho thẩm phán Mỹ được áp dụng cho các vụ án hình sự và dân sự.

Dù Tòa án Tối cao Mỹ vẫn cấm ghi hình song tất cả 50 tiểu bang đều cho phép đặt camera tại tòa án phúc thẩm cao nhất của họ trong những trường hợp khác nhau. Kể từ năm 1996, các tòa án đã được phép quyết định xem có cho phép truyền hình đưa tin về các tranh luận bằng miệng hay không. Công chúng thường theo dõi hình ảnh phiên tòa qua các bức ký họa bằng bút chì hoặc màu sáp trên báo chí.

Cần hướng dẫn quy trình, thủ tục “xin phép và cấp phép”

Về khía cạnh pháp luật, quy định ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý được thể hiện tại khoản 4 Điều 234 BLTTDS; khoản 4 Điều 153 Luật Tố tụng hành chính; khoản 2 Điều 256 BLTTHS và khoản 4 Điều 23 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Về khía cạnh đảm bảo sự tôn nghiêm của tòa án, thực hiện chức năng xét xử, đảm bảo sự công bằng, công minh của pháp luật thì HĐXX phải tập trung tốt nhất cho việc đưa ra phán quyết, đảm bảo một bản án công tâm, hợp lý, hợp tình.

Việc ghi âm, ghi hình nếu không có quy định chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến quá trình xét xử; bởi việc đứng trước ống kính dù trong hoàn cảnh nào cũng sẽ ít nhiều tác động đến tâm lý của người được ghi âm, ghi hình; sẽ gây nên những sao nhãng, mất tập trung vào diễn biến của vụ việc, tạo áp lực cho HĐXX.

Việc quy định “ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý” là cần thiết, tuy nhiên cần có thêm văn bản từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc hướng dẫn quy trình, thủ tục cụ thể để được phép ghi âm, ghi hình tại các phiên tòa.

Chẳng hạn: Xin ý kiến bằng văn bản trước khi phiên tòa diễn ra, hay xin ý kiến bằng miệng tại phiên tòa? Thông tin đăng ký để được phép ghi âm, ghi hình bao gồm những yêu cầu nào, có cần thiết phải có sự đồng ý của tất cả người liên quan có mặt tại phiên tòa không? Trường hợp chủ tọa phiên tòa đồng ý nhưng đương sự không đồng ý thì xử lý như thế nào? Trường hợp nào thuộc nội dung được ghi âm, ghi hình.

Quy định chặt chẽ và nghiêm túc thực hiện sẽ vừa đảm bảo tính tôn nghiêm của phiên tòa, đảm bảo được quyền con người, quyền công dân của người tham gia tố tụng, đặc biệt là đương sự, bị cáo. Bên cạnh đó, cũng đảm bảo việc tiếp cận thông tin của người dân, việc đưa tin của các cơ quan báo chí.

ThS VŨ ANH SAOPhó Trưởng khoa Luật Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF)

ThS LƯU ĐỨC QUANG, Trường ĐH Kinh tế-Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM

Back To Top