(PLO)- Để không ai bị bỏ lại phía sau, cần phải quyết liệt thực hiện các biện pháp đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục, để sự phát triển giáo dục thật sự trở thành “quốc sách hàng đầu”.
Chúng ta tin tưởng rằng những người làm công tác giáo dục, nhất là các thầy cô, những người trực tiếp dạy dỗ con em chúng ta, chả bao giờ muốn tháp ngà giáo dục bị mang tiếng vì bất kỳ lý do gì. Thì như cô Hiệu trưởng Trịnh Thị Thu Hương, Trường Mầm non Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội), nói về phương án “bốc thăm suất học” cho trẻ mầm non ở trường mình: “Chúng tôi không còn phương án nào khác”.
Chắc chắn rồi! Nếu cơ sở vật chất, chỉ tiêu, giáo viên của trường đầy đủ thì dù có vất vả đến đâu, các thầy cô ở Trường Mầm non Hoàng Liệt, cũng như ở các trường khác, chẳng ai muốn học sinh không được giáo dục, học tập. Hẳn nhiên, vấn đề “bốc thăm chỗ học” nói trên sẽ có nhiều ý kiến. Nhưng cực chẳng đã, chúng ta đoán thế, UBND phường và Trường Mầm non Hoàng Liệt mới phải đưa ra phương án được bao người coi là “phản cảm” như thế.
Các bậc phụ huynh mong muốn con mình được học ở Trường Mầm non Hoàng Liệt hẳn cũng chẳng muốn đặt cược sự học của con mình vào một trò chơi có tính may rủi như “bốc thăm”. Phải thấy khi họ chấp nhận phương án mà phường và nhà trường đưa ra thì họ đã hiểu vấn đề không còn nằm ở quyền học tập hay tính tôn nghiêm của giáo dục.
Chúng ta hay được nghe nói, phát triển phải “không ai bị bỏ lại phía sau”. Nhưng với lá thăm may rủi kia, chắc chắn nhiều trẻ em – tương lai của đất nước (nói chính xác hơn, đó là những phụ huynh, nhất là phụ huynh không giàu) sẽ phải vất vả trong chuyện vào trường tư để học hành.
Quan điểm về phát triển toàn diện đã được tuyên bố rất nhiều năm nay. Nhưng chỉ riêng phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã có tới 8.100 trẻ mầm non thì rõ ràng một trường công lập với bốn cơ sở, năm trường ngoài công lập, 79 nhóm lớp mầm non độc lập… sẽ không thể nào đáp ứng được.
Khi làm Luật Quy hoạch năm 2016, những nhà hoạch định chính sách đã tính các quy hoạch đô thị nói riêng và quy hoạch nói chung phải theo phương pháp “tích hợp”. Chẳng hạn khi quy hoạch một khu đô thị thì phải tính toán được cả cơ sở hạ tầng, giáo dục (thậm chí là nhu cầu tín ngưỡng – tôn giáo…) của công dân để đáp ứng. Nhưng rất tiếc là quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng đã chưa được “tích hợp” trong luật đó.
Khi quy hoạch một khu đô thị, một khu dân cư… dù là bằng nguồn vốn hay phương thức nào thì dường như đất đai và nhân sự, nhất là giáo viên, cho giáo dục chưa được quan tâm đúng mức. Thực tế hiện nay vẫn có những nơi đang rất thiếu trường học, thiếu giáo viên…
Có thể thấy ý kiến sau đây của một phụ huynh khiến chúng ta phải suy ngẫm: “Khi quy hoạch, cấp phép xây dựng chung cư, nhà ở, các cấp chính quyền hoàn toàn có thể tính toán được với mật độ xây dựng như cấp phép, mật độ dân cư sẽ như thế nào, cơ sở hạ tầng của địa phương như trường học, y tế…, đặc biệt là hệ thống giáo dục, y tế công lập sẽ đáp ứng được đến đâu, có tương xứng hay không. Nếu không tương xứng, không đáp ứng được nhu cầu thì phải xem xét lại việc cấp phép”.
Không cần phải lập luận, chúng ta cũng biết rằng trẻ em hôm nay chính là tương lai của đất nước ngày mai. Để không ai bị bỏ lại phía sau, cần phải quyết liệt thực hiện các biện pháp đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục, để sự phát triển giáo dục thật sự trở thành “quốc sách hàng đầu”.
CHÂN LUẬN