Văn bản ‘cấm cửa’ 6 bác sỹ ở Bình Dương dưới góc nhìn pháp lý

Tin tức pháp luật

Văn bản ‘cấm cửa’ 6 bác sỹ ở Bình Dương dưới góc nhìn pháp lý

(PLO)- Theo chuyên gia, nếu vi phạm hợp đồng thì Sở Y tế tỉnh Bình Dương cứ kiện theo hợp đồng; việc đưa công khai thông tin cá nhân của họ như văn bản của Sở là xâm phạm đến quyền tự do lao động, xâm phạm quyền nhân thân của các bác sỹ.

Ngày 3-3, ông Huỳnh Minh Chín – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, vào sáng cùng ngày, Ban giám đốc Sở đã chỉ đạo phòng chức năng liên hệ, mời sáu bác sỹ tự ý nghỉ việc quay về đơn vị cũ để giải quyết những cam kết theo hợp đồng.

Ngoài ra, Sở Y tế cũng sẽ hướng dẫn, định hướng cho các bác sỹ nêu trên về một số vấn đề có liên quan để những người này có quyền lựa chọn đơn vị mới sau khi hoàn thành nghĩa vụ đền bù tất cả các khoản mà tỉnh Bình Dương đã hỗ trợ trong suốt sáu năm học.

Ông Huỳnh Minh Chín mong muốn các bác sĩ được hưởng chế độ phải có trách nhiệm với ngành với người dân. Ảnh: LÊ ÁNH

Trước đó, trong văn bản phát hành ngày 2-3, Sở Y tế tỉnh đề nghị các sở y tế, bệnh viện, phòng khám và các trường y trong và ngoài tỉnh không tiếp nhận, ký hợp đồng, tuyển dụng hay đào tạo đối với sáu bác sỹ tự ý bỏ việc, vi phạm cam kết với tỉnh Bình Dương.

Giải thích về văn bản trên, lãnh đạo sở Y tế cho rằng văn bản của sở chỉ có tính chất khuyến cáo những đơn vị trong ngành y tế cân nhắc khi tiếp nhận những bác sĩ này.

“Các bác sỹ vi phạm hợp đồng thì cứ kiện theo hợp đồng. Việc đưa công khai thông tin cá nhân của họ theo như văn bản của Sở là xâm phạm đến quyền tự do lao động, xâm phạm quyền nhân thân của các bác sỹ”.

TS Nguyễn Văn Tiến, Phó trưởng Khoa Luật Dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM

Theo một số bác sĩ bị Sở Y tế tỉnh Bình Dương “cấm cửa”, văn bản này chưa hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, những người này không muốn chia sẻ lý do mình nghỉ việc. Họ muốn tự mình làm việc với Sở Y tế để giải quyết sự việc theo đúng quy định của pháp luật.

Nêu quan điểm về vụ việc, TS Nguyễn Văn Tiến, Phó trưởng Khoa Luật Dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng: Trước hết, cần xác định có hay không hợp đồng đào tạo, điều khoản cụ thể về khoản hỗ trợ của tỉnh Bình Dương với các bác sỹ và các vấn đề có liên quan.

Trường hợp hợp đồng thể hiện, các bác sỹ đi học bằng ngân sách nhà nước hoặc bằng ngân sách của đơn vị tài trợ, sau đó không thực hiện đúng các cam kết theo hợp đồng thì những cơ quan, đơn vị này có quyền khởi kiện ra tòa án để giải quyết.

Cụ thể, các cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ yêu cầu các bác sỹ thực hiện đúng cam kết, bồi thường thiệt hại theo hợp đồng (nếu có) hoặc phải trả lại số tiền đã “đầu tư” cho những người này đi học và lãi suất (nếu có).

“Các bác sỹ vi phạm hợp đồng thì cứ kiện theo hợp đồng. Việc đưa công khai thông tin cá nhân của họ theo như văn bản của Sở là xâm phạm đến quyền tự do lao động, xâm phạm quyền nhân thân của các bác sỹ.

Mặt khác, mục đích của Sở là muốn lấy lại tiền cho nhà nước hoặc các bác sỹ tiếp tục làm việc theo cam kết. Nếu không được, thì phải kiện ra tòa để giải quyết, việc đề nghị như vậy còn có thể gây lãng phí nguồn lực”, TS Nguyễn Văn Tiến nói.

Bồi thường gấp đôi do vi phạm hợp đồng

Ngày 15-3-2016, TAND Cấp cao tại TP Đà Nẵng đã mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án dân sự về việc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP Đà Nẵng yêu cầu bà HTA và ông HPN (cha của bà A) bồi thường kinh phí đào tạo do vi phạm hợp đồng với TP Đà Nẵng.

Theo đó, tòa tuyên buộc bà A và cha mình phải bồi thường gấp hai lần kinh phí đã nhận từ ngân sách TP Đà Nẵng đối với bậc đại học; buộc bà A bồi thường gấp hai lần kinh phí đào tạo ở bậc thạc sĩ vào ngân sách TP do vi phạm hợp đồng đào tạo đã ký kết. Vụ này, được biết con số bồi thường này lên đến tiền tỉ.

MINH CHUNG

Back To Top