(PLO)- Trong vụ án kit test ở Cà Mau, có 3 bị cáo nhận quà cảm ơn với số tiền lớn từ Công ty Việt Á nhưng các cơ quan tố tụng đều thống nhất hành vi này không có dấu hiệu của tội nhận hối lộ, vì sao?
Như PLO đã thông tin, chiều ngày 17-6, TAND tỉnh Cà Mau đã tuyên án vụ vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến việc mua kit test của Công ty Việt Á.
Theo đó, tòa tuyên miễn hình phạt cho cả 4 bị cáo, gồm: Nguyễn Văn Dũng – cựu giám đốc Sở Y tế Cà Mau, Lê Ngọc Định – cựu Trưởng phòng kế hoạch tài chính Sở Y tế Cà Mau, Đặng Hải Đăng – cựu Giám đốc trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau và Hồ Quang Nhu – cựu Phó trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau.
Trong vụ án này, ngoài việc cùng lúc 4 bị cáo được tuyên miễn hình phạt, dư luận còn quan tâm đến việc 3/4 bị cáo nhận tiền “lại quả” từ Việt Á với số tiền lớn nhưng không bị truy cứu về hành vi này.
Tại tòa, những thông tin về việc nhận tiền, quà của các bị cáo cũng đã được phơi bày công khai, đầy đủ. Đồng thời, toà tuyên sung công quỹ toàn bộ số tiền mà các bị cáo nhận được từ người của Công ty Việt Á.
Những món quà tiền tỷ
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát tỉnh Cà Mau, trong đại dịch Covid-19 năm 2020 và 2021, bốn bị cáo trong vụ án kit test Việt Á đã có các hành vi làm sai quy định của luật đấu thầu, khiến Công ty Việt Á hưởng lợi bất chính trên 12 tỷ đồng từ tiền ngân sách Nhà nước.
Cụ thể, theo quy định, việc lựa chọn nhà thầu được thực hiện trên nguyên tắc xem xét nhiều bảng báo giá của các nhà thầu chào giá khác nhau. Nhà thầu nào có mức giá tối ưu sẽ được chỉ định chọn.
Ở công việc này, các bị cáo đã không làm như vậy, mà sử dụng các bảng báo giá chỉ do Trần Tiến Lực, nhân viên Công ty Việt Á cung cấp. Tất nhiên, Lực đã chủ động cung cấp các bảng báo giá có lợi cho Công ty Việt Á. Từ đó, chỉ Công ty Việt Á được chọn để mua kit test và hoá chất.
Sau những hợp đồng hợp thức hoá trót lọt, được lợi lớn, người của Công ty Việt Á đã “biếu” cho bị cáo Lê Ngọc Định số tiền 1,55 tỷ đồng. Bị cáo Đặng Hải Đăng được “biếu” 1,155 tỷ đồng và bị cáo Hồ Quang Nhu nhận được 120 triệu đồng.
Riêng bị cáo Nguyễn Văn Dũng, cựu Giám đốc Sở y tế tỉnh Cà Mau, được kết luận không nhận gì từ Công ty Việt Á.
Ngay sau khi vụ án được khởi tố, các bị cáo đã đem toàn bộ số tiền nộp cho Cơ quan điều tra Công an tỉnh Cà Mau.
Không có sự bàn bạc, thoả thuận nên nó chỉ là… quà cảm ơn
Ngay từ đầu, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Cà Mau đã không xem những món quà này là tiền hối lộ nên không khởi tố vụ án đưa và nhận hối lộ. HĐXX cũng nhận định tương tự như quan điểm của cơ quan điều tra.
Theo kết luận điều tra, cáo trạng và các hồ sơ liên quan vụ án kit test Việt Á này, các bị cáo được tặng quà một cách không có sự bàn bạc, thoả thuận từ đầu về việc các bị sẽ làm hoặc không làm một việc gì đó theo yêu cầu hoặc có lợi ích cho Công ty Việt Á.
Trong khi quy định cấu thành tội phạm đối với tội nhận hối lộ (Điều 354 Bộ luật hình sự), về mặt chủ quan của tội phạm phải là có lỗi cố ý trực tiếp. Tức phải có sự bàn bạc, thoả thuận về việc các bị cáo dùng quyền hạn của mình để làm hoặc không làm việc gì đó theo yêu cầu hoặc đem lợi ích cho Công ty Việt Á.
Giống như vụ cựu Bộ trưởng Bộ KH & CN Chu Ngọc Anh, nhận quà của Công ty Việt Á 200.000 USD vẫn không bị truy cứu tội nhận hối lộ, vì không có sự bàn bạc, thoả thuận với Công ty Việt Á để làm hoặc không làm theo yêu cầu hoặc đem đến lợi ích cho Công ty này.
Từ đó, trong phiên toà xét xử vụ án kit test Việt Á ở Cà Mau, HĐXX đã đồng quan điểm nhận định như Cơ quan điều tra, các món quà 3 bị cáo nhận từ người của Công ty Việt Á không phải của hối lộ, nên không truy cứu các bị cáo tội nhận hối lộ là có cơ sở.
Tuy nhiên, do xác định các món quà này được Công ty Việt Á dùng tiền bất chính mà có nên HĐXX vụ án kit test Việt Á tại Cà Mau tuyên tịch thu sung quỹ.
Trần Vũ